Cô gái trẻ 'nghiện đi xin' cho người lạ

Đăng bởi Admin minhnguyenduc vào lúc 12/07/2021

Dù bận ôn thi đại học, Mai Hương vẫn tranh thủ chạy xe máy đến những bản làng trong huyện để xác minh hoàn cảnh người khó khăn, rồi lên mạng kêu gọi ủng hộ.

Sáng 24/6, trong sân Bệnh viện đa khoa huyện Lang Chánh, ánh mắt của những bệnh nhân và người nhà đang xếp hàng bỗng trở nên háo hức khi nhìn thấy những bộ đồ quần áo được gấp vuông vắn, xếp chồng lên nhau.

Lần lượt từng người bước đến trong khi ba nhân viên y tế đứng cạnh tủ đồ, nhìn "khách hàng" một lượt từ đầu đến chân để ước lượng chiều cao, cân nặng rồi lựa đồ. Các bác sĩ, y tá cũng chính là người phân loại từng bộ, xếp vào từng ngăn theo độ tuổi, giới tính nên biết bộ nào hợp với ai.
Nhân viên y tế ướm quần áo cho bệnh nhân, từ tủ quần áo từ thiện do Phạm Mai Hương gửi tặng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Nhân viên y tế ướm quần áo cho bệnh nhân, từ tủ quần áo từ thiện do Phạm Mai Hương gửi tặng. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

"Người dân ở đây đều là dân tộc Thái và Mường, hoàn cảnh khó khăn nên được tặng đồ thế này họ vui lắm. Chúng tôi dự định sẽ mở tủ vào mỗi thứ 5 hàng tuần, dành cho bệnh nhân và người nhà hoàn cảnh đặc biệt", anh Trịnh Xuân Long, bí thư Đoàn bệnh viện nói.

Trong lúc đó, "tác giả" của tủ quần áo này là cô gái 18 tuổi Phạm Mai Hương lại đang nằm nhà vì bị đau chân. Nhận được những bức ảnh ngày đầu tủ đồ từ thiện do mình lên ý tưởng hoạt động, em chỉ muốn "chạy ngay đến đó".

Mai Hương kể, hôm 1/6 vừa qua, em đến bệnh viện tổ chức Tết Thiếu nhi cho các bệnh nhi và được nghe kể chuyện có những sản phụ nghèo đến nỗi không mua nổi đồ sơ sinh, có người không đủ tiền đóng viện phí. Hương nảy ra ý tưởng mở một tủ đồ miễn phí để tặng cho những bệnh nhân nghèo rồi bàn với người họ hàng là bác sĩ ở đây để thực hiện.

"Toàn bộ quần áo em đều xin từ hàng xóm, người thân, bạn học và lên mạng kêu gọi", cô nữ sinh vừa tốt nghiệp trường THPT Lang Chánh, nói. Hương cũng bỏ tiền túi mua và xin được hơn 40 cặp lồng cơm tặng bệnh nhân ở viện vì thấy họ đựng đồ ăn trong hộp xốp.

"Sự nghiệp đi xin" của Mai Hương xuất phát từ lần giúp đỡ hụt một người phụ nữ nghèo bị ung thư. Giữa năm ngoái, em đọc trên mạng về một trường hợp người mẹ ung thư có ba con nhỏ, chồng phải bán hết mọi thứ quý giá trong nhà để vợ chữa trị. Cô gái khi đó vẫn là học sinh lớp 11 lập tức mang ít sách truyện, quần áo cũ và bánh kẹo, cùng bạn chạy xe máy đến tận nơi để xem thực hư.

"Ngôi nhà đúng như miêu tả. Đứa con lớn đi gánh củi, hai đứa nhỏ lấm lem, đi chân đất với đôi mắt rất buồn", Hương kể. Là con út trong một gia đình hai chị em, chưa bao giờ thiếu thốn, cô nữ sinh bần thần trước những gì đang chứng kiến.

Mai Hương xin số điện thoại của người phụ nữ ung thư, thỉnh thoảng nhắn tin động viên chị. Đang định đến thăm lần ba thì Hương biết tin chị này qua đời. "Giá như em có thể kêu gọi ủng hộ chị, chắc gì ba đứa trẻ đã phải mồ côi mẹ", cô gái nói.

Mẹ là giáo viên nên thỉnh thoảng Hương vẫn nghe kể về những bữa trưa chỉ 3.000 đồng của lũ trẻ nghèo. Em nghĩ, sau này học hành xong, đi làm thì sẽ giúp nhiều người hơn. Cái chết của người phụ nữ từng gặp khiến Hương suy nghĩ lại. "Không đợi đến lúc mình có tiền rồi mới nghĩ đến chuyện giúp đỡ người khác", Hương chia sẻ quan điểm với mẹ và được đồng tình.
Phạm Mai Hương, vừa tốt nghiệp lớp 12, chưa từng chụp tấm hình nào khi tham gia các hoạt động từ thiện. Có người nói em muốn đánh bóng tên tuổi, thích nổi tiếng, nhưng thật lòng, em chỉ muốn lan tỏa lòng tốt đến mọi người, cô nói. Ảnh: Nhật vật cung cấp.

Phạm Mai Hương, vừa tốt nghiệp lớp 12, chưa từng chụp tấm hình nào khi tham gia các hoạt động từ thiện. "Có người nói em muốn đánh bóng tên tuổi, thích nổi tiếng, nhưng thật lòng, em chỉ muốn lan tỏa lòng tốt đến mọi người. Trước đây em cũng bán quần áo online vì không muốn mọi người hiểu lầm, em thôi bán, tiền, quần áo, sách vở hỗ trợ các em nhỏ chủ yếu đi xin về", cô nói. Ảnh: Nhật vật cung cấp.

Để giúp các bệnh nhân ở Bệnh viện huyện Lang Chánh, Hương đến nhà bạn bè, hàng xóm, đồng nghiệp của mẹ xin quần áo nhưng chỉ được vài bộ. Cô gái đánh liều lên các hội nhóm trên mạng xã hội xin quần áo, sách vở.

"Em chẳng có tiếng tăm gì, lại nhỏ tuổi nên cũng có người không tin, mắng em xin nhiều vậy chắc muốn tư lợi. Nhưng họ không biết phí vận chuyển em phải bỏ tiền túi ra, có khi đắt hơn bao tải quần áo nhận được", cô gái nói.

Cứ mỗi Chủ nhật, Hương lại "ăn bớt" thời gian ôn thi đại học để ngồi phân loại quần áo. Cái nào rách, hỏng, không phù hợp với người vùng cao, em đem loại bớt. Cái nào vết bẩn, có mùi, Hương giặt giũ, là lại cho phẳng phiu. Cứ tỉ mẩn, cần cù như vậy suốt vài tháng, cuối cùng tủ quần áo miễn phí của cô nữ sinh cũng có thể hoạt động.
Quầy quần áo miễn phí do Hương khởi xướng, kết hợp với Hội chữ thập đỏ xã Yên Khương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Quầy quần áo miễn phí do Hương khởi xướng, kết hợp với Hội chữ thập đỏ xã Yên Khương. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Không chỉ xin quần áo cũ, Mai Hương còn xin tiền. Đầu tháng 5, qua một giáo viên, Hương biết tin cô bé Lê Thị Tươi, lớp 3, ở xã Đồng Lương mồ côi bố, sống cùng mẹ trong căn nhà đang xuống cấp, nợ từ ngày bố ốm chưa trả hết. Em chạy xe máy đến tận nhà tìm hiểu, xác minh rồi lên mạng xã hội kêu gọi. Nhờ các mạnh thường quân, cô đủ kinh phí hỗ trợ bé Tươi mỗi tháng 300.000 đồng từ nay đến khi hết lớp 5.

"Nhờ cô giáo kết nối với chị Mai Hương xin các mạnh thường quân hỗ trợ hàng tháng mà con được tặng cả gạo, sữa, dầu ăn, nước mắm, mì chính, trứng... Chị Hương còn hứa chuẩn bị sách vở, đồ dùng cho con trong năm học mới. Con rất vui và cảm ơn mọi người đã giúp đỡ con. Con hứa sẽ học thật tốt để không phụ lòng mọi người", bé Tươi viết trong một lá thư, gửi đến nhà Mai Hương.

Hương cũng xin tiền 300 nghìn đồng một tháng để trợ cấp cho bé trai tên Phạm Văn Bắc, 10 tuổi, bị thiểu năng trí tuệ, hoàn cảnh khó khăn ở Yên Thắng, Thanh Hóa. Biết xã Yên Thắng và Yên Khương có nhiều bà con dân tộc thiểu số, Hương kết nối với Hội chữ thập đỏ mở Quầy quần áo miễn phí.

"Khi biết em Hương, tôi đã chủ động để xuất em kêu gọi giúp đỡ bà con địa phương. Nhờ Hương và sự ủng hộ của người dân trong xã, quầy quần áo từ thiện đã mở cửa được một tháng", chị Hà Thị Xem, cán bộ Hội chữ thập đỏ xã Yên Thắng, nói.

Dịp này, ngoài công tác thiện nguyện, Hương đang chuẩn bị cho kỳ thi đại học. Nguyện vọng của em vào TP HCM học - nơi có rất nhiều anh chị đã đồng hành cùng em trong "sự nghiệp đi xin".

"Vào đó, em sẽ vừa đi học, vừa cùng các anh chị đi giúp đỡ những người khó khăn hơn", cô gái nói.

VIẾT BÌNH LUẬN CỦA BẠN: